Showing posts with label phap luat. Show all posts
Showing posts with label phap luat. Show all posts

Sunday, January 26, 2020

Đồng Tâm: Tình hình đã tái ổn định trong dịp Tết?

Đồng Tâm: Tình hình đã tái ổn định trong dịp Tết?

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức trao quà cho cán bộ, đảng viên và người dân xã Đồng Tâm những ngày giáp Tết Canh Tý 2020, theo báo điện tử Kinh tế & Đô Thị từ Hà Nội
Tình hình an ninh, trật tự ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội đã 'thật sự ổn định', báo chí chính thống từ Việt Nam hôm 24/01/2020 cho biết.

Cụ Kình và những mạng người đánh đổi đất Đồng Tâm, ai thắng, ai thua?

Hôm thứ Sáu, trùng với ngày 30 tháng Chạp năm âm lịch, một tin bài trên báo Kinh tế và Đô Thị, cơ quan ngôn luận của Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội chạy một bài với hàng tựa lớn "Đồng Tâm nhộn nhịp không khí Tết", cho hay:
"Mặc dù những ngày cuối và đầu năm Canh Tý 2020 tiết trời se lạnh và có mưa phùn nhưng cũng không thể ngăn nổi dòng người dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức (TP Hà Nội) đi mua sắm Tết. Điều này cho thấy, tình hình an ninh trật tự ở xã Đồng Tâm đã thật sự ổn định.
"Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương khẳng định, đến nay tình hình an ninh trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm đã thực sự ổn định trở lại. Người người, nhà nhà yên tâm, phấn khởi, nhộn nhịp đi lại mua sắm đồ dùng phục vụ Tết. Điều này thể hiện rõ nét nhất vào những ngày cuối năm, ngày cận Tết Canh Tý 2020, mặc dù tiết trời se lạnh và có mưa phùn nhưng dòng người dân địa phương vẫn tấp nập tham gia phiên chợ quê cuối cùng của năm ở chính tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm...
"Thiếu tá Nguyễn Tiến Hoạt - Phó trưởng Công an xã Đồng Tâm cho biết, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn xã đã ổn định trở lại nên các lực lượng chức năng của TƯ và TP đã rút hoàn toàn khỏi địa bàn từ nhiều ngày qua. Hiện chỉ có 15 cán bộ, chiến sỹ Công an của xã đã được bố trí ứng trực 100% quân số để tuần tra, kiểm soát trên toàn địa bàn hai thôn (thôn Hoành và thôn Đồng Mít) của xã...
"Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm Phan Văn Sự bộc bạch, trong không khí chuẩn bị đón xuân Canh Tý 2020, chính quyền địa phương đã, đang rất quan tâm, chăm lo cho đời sống của người dân nơi đây, đặc biệt là hộ nghèo và gia đình chính sách, sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau..."
Hôm 22/01, trong vòng ba ngày cận Tết, báo điện tử VietnamPlus, mà cơ quan chủ quản là Thông Tấn Xã Việt Nam, có bài dưới dạng bộ ảnh đưa tin về xã Đồng Tâm, bài có tựa đề "Tình hình ở xã Đồng Tâm đã ổn định, nhân dân vui xuân đón Tết", trong phần chú thích bộ ảnh có đoạn viết:
"Những ngày cận kề Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tình hình trên địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã ổn định. Lực lượng chức năng tích cực giữ gìn an ninh, trật tự để nhân dân vui đón Tết.
"Không khí Tết tràn ngập đường vào xã Đồng Tâm, nhân dân phấn khởi, chào đón một mùa xuân mới bình an.
"Cán bộ huyện Mỹ Đức về thăm, chúc Tết Đảng bộ, chính quyền xã Đồng Tâm.
"Bà Bạch Liên Hương, Thành ủy viên, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức, trao quà Tết cho cán bộ, nhân viên xã Đồng Tâm."

'Động viên gia đình liệt sỹ'


'Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương động viên các gia đình liệt sĩ,' báo Hà Nội Mới hôm 22/01 đưa tin


Tin này, cùng ngày thứ Tư, cũng được tờ Kinh tế & Đô thị đưa tin, trong đó có đoạn cho biết chi tiết đã có năm chục xuất quà được lãnh đạo Huyện ủy Mỹ Đức trao trong chuyến thăm này:
"Những món quà mà Huyện ủy Mỹ Đức tặng cho 50 cán bộ, đảng viên và người dân xã Đồng Tâm tuy không lớn về vật chất nhưng thể hiện tình cảm, sẻ chia của cán bộ, lãnh đạo huyện Mỹ Đức với các cán bộ, người dân trên địa bàn xã, góp phần giúp các gia đình đón Tết Cổ truyền dân tộc thêm đầm ấm, vui tươi."
Trong một diễn biến độc lập, báo Hà Nội Mới, phiên bản điện tử, hôm 22/01 đưa tin, lãnh đạo Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, một đoàn thể chính trị - xã hội được cho là cánh tay nối dài của chính quyền và đảng cầm quyền, đã tới thăm gia đình ba sỹ quan cảnh sát thiệt mạng trong vụ bố ráp, tập kích Đồng Tâm hôm 09/1 và chúc Tết, tặng quà.
"Chiều 22-1-2020, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã đến thăm 3 gia đình cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.
"Thăm gia đình các liệt sĩ Nguyễn Huy Thịnh, Dương Đức Hoàng Quân và Phạm Công Huy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đã chia sẻ với những mất mát to lớn của gia đình, thân nhân 3 liệt sĩ.
"Khẳng định sự hy sinh của các liệt sĩ đã góp phần mang lại sự bình yên cho Thủ đô, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố bày tỏ sự biết ơn của cán bộ Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố nói riêng và của nhân dân Hà Nội nói chung, đồng thời mong muốn thân nhân, gia đình các liệt sĩ cố gắng vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.
"Đồng chí Nguyễn Lan Hương cũng đề nghị chính quyền địa phương, cán bộ Mặt trận ở khu dân cư thường xuyên thăm hỏi, tạo không khí ấm áp trong những ngày Tết và quan tâm tạo điều kiện để gia đình 3 liệt sĩ bảo đảm cuộc sống," báo Hà Nội mới tường trình.

'Đau lòng, lo lắng'

Từ một góc nhìn khác, hôm 25/01, từ Dương Nội, Hà Đông, TP Hà Nội, nhà hoạt động xã hội dân sự thuộc nhóm 'dân oan, khiếu kiện đất đai', ông Trịnh Bá Phương cho BBC News Tiếng Việt biết một số thông tin mà ông ghi nhận được từ bên trong xã Đồng Tâm ngay trong dịp Tết Canh Tí.
Sau biến cố hôm 09/1, hàng nghìn người dân Đồng Tâm rất đau lòng khi phải chứng kiến cái chết của cụ Lê Đình Kình, cũng như chứng kiến hàng chục người dân Đồng Tâm, cả phụ nữ và người già đã bị bắt như vậy.
"Và hiện nay họ cũng đang chứng kiến những cảnh rất đau lòng, những gia đình đang phải rất lo lắng cho những người bị bắt, cũng như có nhứng em bé đang phải xa cha mẹ, họ không còn tâm trạng nào để đón Tết nữa."
Báo chí, truyền thông của nhà nước và chính quyền dường như tạo ấn tượng cho biết, nhóm đấu tranh, khiếu kiện đất đai ở Đồng Tâm chỉ là một thiểu số nhỏ ở địa bàn này, trong Tết, cuộc sống của người dân trong xã đã 'nhộn nhịp', 'phấn khởi' đõn Xuân, bình luận về điều này, ông Bá Phương nói:
"Qua lễ tang của cụ Lê Đình Kình, rất nhiều người dân ở đó cho tôi biết là có khoảng 3.000 chiếc khăn tang, sau đó, sau khi tiễn đưa cụ Lê Đình Kình về nơi an nghỉ cuối cùng, thì 3.000 chiếc khăn tang đó đã được dùng hết và những người đến sau, đến muộn đã không còn khăn tang để đội lên đầu đưa tiễn cụ Kình.
"Tức là chỉ một lễ tang cụ Kình như vậy, thì có khoảng bốn tới năm nghìn người cùng đưa cụ Kình về nơi an nghỉ cuối cùng, thì cho thấy là một số lượng người rất là đông ủng hộ, cũng như là thương tiếc cụ Lê Đình Kình và có một số thông tin nói rằng là người dân Đồng Tâm, cứ khoảng 10 người, thì có khoảng hơn 9 người là ủng hộ và cùng đấu tranh với cụ Lê Đình Kình, tức là lượng người củng hộ đấu tranh của cụ Lê Đình Kình chiếm khoảng 95% dân số ở tại Đồng Tâm, nơi có xấp xỉ gần một vạn người.
Về tình hình cụ thể của gia đình ông Lê Đình Kình và những người đã bị bắt ở Đồng Tâm trong vụ việc từ hôm 09/01 tới nay và dịp Tết âm lịch, nhà hoạt động từ Hà Đông, Hà Nội cho biết chi tiết:
"Có rất nhiều người dân ở Đồng Tâm đã đến thăm hỏi gia đình của những người bị bắt và qua sự chứng kiến của người dân Đồng Tâm, thì họ thấy rằng các gia đình bị bắt hiện nay, cuộc sống của họ đang bị đảo lộn hết tất cả, tất cả các công việc bị đảo lộn hết.
"Những người được coi là trụ cột của gia đình thì đang bị bắt, thế nên gia đình chỉ còn một số phụ nữ và trẻ nhỏ và đang gặp rất nhiều khó khăn, về mọi lĩnh vực kể cả về công việc, về đời sống hàng ngày, kể cả đời sống tinh thần."

'Có việc bắt thêm?'

Trước đó, hôm 23/1, ông Trịnh Bá Phương cho BBC hay nhiều gia đình ở Đồng Tâm quan ngại về tình hình của người tân của họ đang bị bắt, ông nói:
"Một số gia đình cũng lo lắng rằng người thân của họ còn sống hay đã chết, bởi vì hiện tại, phía cơ quan công an chưa một cơ quan nào ra quyết định khởi tố vụ án, hay khởi tố bị can mà đưa cho họ một giấy tờ gì, văn bản nào cho họ biết nơi ra quyết định khởi tố, cũng như là nơi đang giam giữ những người đã bị bắt.
"Ngoài ra, người ta cũng chưa có thông tin gì đến người thân, chỉ có vài hình ảnh qua chương trình của truyền hình VTV của phía nhà nước Việt Nam đưa lên một số người với những vết thương tích sưng phù mặt, rồi có những dấu hiệu bị 'tra tấn, đánh đập' đã xuất hiện trên truyền hình VTV...
"Cũng có một số gia đình họ lo rằng là có thể người thân của họ đã không qua khỏi sau vụ 'đàn áp' hôm 09/1, có một số người thì cho biết người thân của họ phải đi cấp cứu, có người thì lo rằng phía nhà nước cộng sản không chịu 'trả xác' cùng với cụ Kình ngay hôm đầu tiên, mà họ giữ lại đó để họ tìm một 'kịch bản khác', để che dấu 'tội ác' của họ, cũng như để làm giảm sự phẫn nộ trong nước và quốc tế', khi mà có hơn một người 'bị chết', chứ không chỉ riêng cụ Kình..."
Khi được hỏi, có ai bị bắt thêm hay không, sau ngày 09/1/2020, nhà hoạt động từ Dương Nội nói với BBC:
"Sau hôm 09/01, lực lượng Công an đã phong tỏa ngôi làng Đồng Tâm, sau đó họ đã cho quân vào truy bắt thêm một số người. Có một số người, họ đã dùng loa truyền thanh công suất lớn kêu gọi, phát loa đi yêu cầu những người này phải ra đầu thú ngay. Thì có hai người phụ nữ đã phải ra đầu thú, trong hai người phụ nữ đó, thì có hai người chồng của họ đều đã bị bắt rồi.
"Cũng có người đặt ra nghi vấn và chính tôi cũng đặt ra nghi vấn rằng người chồng của họ, hai người trong số người bị bắt, có thể họ đã kiên quyết không chịu khai, không chịu nói những lời 'có lợi' cho chính quyền, trong việc sử dụng để đưa lên truyền thông, truyền hình... cho nên họ mới có thể bắt thêm những người phụ nữ vào đó, để dùng chính những người thân của những người bị bắt để 'ép buộc' lẫn nhau, để tạo 'một áp lực' cho việc mà họ muốn có những bản nhận tội của những người bị bắt."
"Ngoài hai phụ nữ đó, cũng có một số người bị bắt nữa, theo một số người dân cho biết là có khoảng hơn một chục người bị bắt, trong số những người bị bắt tiếp theo đó, họ cũng có thả một vài người, khi mà lên đấy họ thẩm vấn điều tra, họ cũng có thả một vài người, tuy nhiên rằng cũng đã bị bắt một số nữa."
'Luật sư bị từ chối?'
Hôm 25/01, Luật sư Ngô Anh Tuấn, Trưởng Văn phòng luật sư ATN Lawfirm tại Hà nội, người nhận hỗ trợ pháp lý cho một số người dân Đồng Tâm trước và sau biến cố 09/01, nói với BBC ông được gia đình một người bị bắt trong vụ việc nhờ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người này, nhưng sau đó nhận được thông tin từ điều tra viên thuộc Cơ quan Điều tra của Công an là 'thân chủ' đã từ chối dịch vụ luật sư của ông Tuấn.
"Hiện tại đã có một số luật sư cho biết gia đình từng có liên hệ, tuy nhiên thủ tục luật sư có thể là mới có một mình tôi thôi, tôi là Luật sư Ngô Anh Tuấn, đã đăng ký thủ tục bào chữa cho một người duy nhất là ông Lê Đình Quang.
"Tuy nhiên là đến ngày cuối cùng, chiều ngày 21/01/2020, thì điều tra viên vụ này có liên hệ với tôi cho biết là ông Quang đã từ chối tôi. Và họ có mời tôi vào đối chất với ông Quang, để biết là ông Quang có từ chối thật hay không. Tôi yêu cầu là ngay hôm đó họ đưa tôi vào, tuy nhiên là họ lại hẹn vào ng hôm sau (22/01), trong khi đó thì tôi phải về quê theo lịch trình, tôi hẹn là đầu tháng Hai tới, 04/02, thì tôi mới vào để coi là họ từ chối tôi thật hay không.

Đã hơn hai tuần trôi qua nhưng cuộc đột kích vào Đồng Tâm hôm 9/1 vẫn khiến nhiều người bàng hoàng

"Còn với các luật sư khác, theo tôi được biết, tới thời điểm này họ chưa đăng ký thủ tục bào chữa cho ai cả."
Khi được hỏi là ngoài trường hợp của thân chủ Lê Đình Quang, là cháu nội củng ông Lê Đình Kình, người đã thiệt mạng trong vụ bố ráp, những người bị bắt khác đang bị giam giữ ở đâu, Luật sư Ngô Anh Tuấn nói:
"Tới thời điểm này, về địa điểm tôi vẫn chưa biết là họ bị giam ở đâu. Thông thường thì họ sẽ giam ở trại giam Hỏa Lò, còn trong trường hợp đặc biệt thì họ sẽ giam ở B14 hay B16, nhưng trong trường hợp này tôi nghĩ là chỉ giam ở Hỏa Lò thôi.
"Họ cũng chưa thông báo với tôi là giam ở đâu, sáng ngày 4/2, thì tôi mới biết là họ (những người bị bắt) đang bị giam ở đâu."

'Một khả năng rất cao'

Khi được hỏi, về việc được đề nghị bào chữa cho ông Lê Đình Quang trước đó ra sao và tình hình của gia đình thân chủ thế nào, Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết:
"Vợ ông Lê Đình Quang mời tôi... Ông Quang có vợ và có ba con đang rất nhỏ, gia đình đang rất khó khăn, thì họ cũng rất lo lắng về an nguy của ông Quang.
"Trước đây một số thông tin cho biết là ông Quang đã chết, nhưng cho đến thời điểm này, tôi thấy trước mắt là ông ấy vẫn còn sống, đó là sự may mắn rồi, còn các việc khác gỡ ra từ từ thôi."
Khi được hỏi liệu các luật sư có được tiếp cận thân chủ và vào bên trong xã Đồng Tâm hay không, ông Ngô Anh Tuấn đáp:
"Bây giờ, tại thời điểm này thì chúng tôi hoàn toàn có thể tiếp cận, tuy nhiên rằng chúng tôi là luật sư thì điều đầu tiên để thân chủ mời.
"Còn trường hợp khẩn cấp thì đã qua rồi, còn bây giờ ai mời, thì chúng tôi sẽ vào thôi, nhưng hiện tại sẽ đăng ký thủ tục luật sư trước, còn những vấn đề cần hỏi thông tin này để đối chứng, hay tìm thêm chứng cứ độc lập, thì chúng tôi sẽ thu thập sau. Tại thời điểm này chưa cần đến, nên tôi chưa làm việc đấy."

Sinh thời, ông Lê Đình Kình được một số người xem như anh hùng khi dám đứng lên chống các quan chức tham nhũng, nhưng nhà nước coi ông là tội phạm.

Về tình hình chung liên quan gia đình của những người bị bắt và gia đình ông Lê Đình Kình, luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết:
"Thông tin chung, thì thực tế là tất cả mọi người đều rất là lo lắng, Còn lại trong làng, trong gia đình những người liên quan đến nhà ông Kình, chủ yếu là phục nữ thôi.
"Gần như không có nam giới nữa. Tất cả mọi người đều rất lo lắng. Lo lắng cho người bên trong, tuy nhiên rằng là họ cũng không thể làm gì khác, ngoài việc gọi mời luật sư. Đồng Tâm: "Đã thực sự nhộn nhịp không khí Tết"
"Họ không biết làm gì khác, thì họ phải trông đợi phản ứng của các luật sư và các cơ quan có liên quan vụ này có cho phép luật sư vào giai đoạn này hay không.
"Mà theo như lo lắng của họ, thì đã hiển diện ra trước mắt, chúng tôi nghĩ rằng khả năng rất cao là bây giờ là không phải chỉ cơ quan điều tra, mà áp lực từ nhiều phía nữa, khiến cho người thân của họ ở trong trại lần lượt từ chối luật sư. Đó là điều rất hiển diện trước mắt, chúng tôi đã nhận thấy rồi!," Trưởng văn phòng Luật ATN Lawfirm nói BBC từ Hà Nội.
BBC News Tiếng Việt chưa có điều kiện kiểm chứng hết những thông tin được nhà hoạt động phản ánh ở trên và chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực tìm hiểu, trong quá trình thực hiện tin bài phục vụ khán, thính, độc giả.
Trong vụ việc ở Đồng Tâm, một tranh chấp kéo dài nhiều năm, vụ bố ráp và tập kích diễn ra trong thời gian từ quá nửa đêm đến trước rạng sáng ngày 09/1, với phía chính quyền, Bộ Công an, thông qua truyền thông, báo chí nhà nước và các phát ngôn từ nhà chức trách, cáo buộc những người bị bắt và ông Lê Đình Kình đã có các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam, có hành vi, phát ngôn 'kích động bạo lực' và 'bạo lực' chống đối người thi hành công vụ, có các hành vi chống lại chính sách của đảng, nhà nước và nhận tiền, chịu chỉ đạo của một số tổ chức, cá nhân 'phản động, khủng bố' ở nước ngoài để chống phá chính quyền.

Sunday, January 19, 2020

Vụ Đồng Tâm phản ánh 'chính quyền không tự tin và lo sợ dân'

Vụ Đồng Tâm phản ánh 'chính quyền không tự tin và lo sợ dân'

Ông Lê Đình Kình, cựu bí thư xã Đồng Tâm, cựu chiến binh, đảng viên đảng Cộng sản với 60 năm tuổi đảng, thiệt mạng trong biến cố hôm 09/01/2020 ở xã này
Vụ đụng độ làm chết ông Lê Đình Kình và ba công an ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội phản ánh tâm lý 'không tự tin' và 'lo sợ người dân' của chính quyền, theo ý kiến của một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) chia sẻ với Bàn Tròn Thứ Năm, hôm 16/01/2020.

Cụ Kình và những mạng người đánh đổi đất Đồng Tâm, ai thắng, ai thua?

"Câu chuyện diễn ra dưới góc nhìn của chính quyền thì dường như những phát biểu của ông Lê Đình Kình là ôn hòa, nhưng phát biểu của ông Lê Đình Công dường như là một sự thách thức đối với chính quyền và sự thách thức đó làm cho chính quyền lo sợ, lo sợ rằng bà con nông dân ở Đồng Tâm sẽ thành một nhóm đối lập và chiến đấu lại với chính quyền," Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng PLD, trước hết bình luận về một số phát biểu của ông Lê Đình Kình và con trai, trước biến cố ngày 9/1.
"Nhưng nếu có một sự tự tin nhất định về chính trị và đồng thời có một tâm thức xử lý trên tinh thần vì dân, thì tôi nghĩ sự kiện vừa rồi như là ở Đồng Tâm không thể xảy ra được.
"Trong những ngày qua, nếu như để ý chúng ta thấy nhiều bài viết đã lấy lại câu ở Thái Bình để so sánh với câu chuyện ở Đồng Tâm, chúng ta biết là năm 1997, khi xảy ra hiện tượng này, bà con cũng tập trung, cũng kéo lên huyện và thậm chí cũng bao vây trụ sở của huyện, và thậm chí cũng có một số hiện tượng bắt giữ một số cán bộ.
"Thế nhưng khi đó, bằng lời kể của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn và ông Phạm Thế Duyệt lúc đó là Chủ tịch Mặt trận Tổ Quốc, thì chính quyền lúc đó xử lý vấn đề cũng rất nhẹ nhàng.
"Nếu cứ trước những lời quá bức xúc của người dân mà chính quyền sợ tới mức mà phải vượt quá hành vi như là tự vệ hay là phòng ngừa để mà dập tắt... thì là phương pháp sai hoàn toàn từ phía chính quyền.
"Mà có thể nói là nó sẽ lang lại những hậu quả khôn lường và thực sự nó đã mang lại rồi, chỉ có lời nói của người dân, nhưng mà đã biến thành một cuộc gọi là đàn áp và xảy ra án mạng, án mạng cả từ phía chiến sỹ công an, cho đến án mạng của người dân.
"Thì đây là một điều phản ánh tâm thức của chính quyền là không tự tin và lo sợ người dân."

'Cần bình tĩnh trở lại'

PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao tham gia Bàn Tròn Thứ Năm từ Hà Nội

Đưa ra lời khuyên với chính quyền tại Bàn Tròn của BBC, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói:
"Lời khuyên của tôi đối với chính quyền là hãy bình tĩnh lại, tìm ra những giải pháp, làm sao cho nó dịu cơn đau Đồng Tâm đi, làm sao để tăng cường thêm nữa lòng tin của người dân và bớt đi những thủ thuật, những cách thức để mà biện minh, biện bạch cho sự kiện ở Đồng Tâm, bưng bít thông tin.
"Ở những mức độ nhất định, cần phải bạch hóa những chuyện này, cũng như xử lý một cách khôn khéo, thì lúc đó mới có lợi cho chính quyền, đó là ý thứ nhất.
"Thứ hai, về lâu về dài, tôi nghĩ rằng câu chuyện gốc gác vấn đề vẫn là câu chuyện về sở hữu toàn dân về đất đai ở trong Hiến pháp Việt Nam, và từ đó nó sang tới luật đất đai và các vị cũng cần phải sửa ngay nội dung này và cần phải có thừa nhận quyền tư hữu đối với đất đai.
"Chứ không thể để tình hình hiện nay gọi là đất sở hữu toàn dân, nhưng thực ra lại trao quyền cho một số cán bộ công chức và đồng thời đứng đằng sau là các doanh nghiệp lợi dụng để mà dùng quyền lực hành chính, nhưng mà tước đoạt quyền sở hữu về đất đai của người dân."
Về các trường thiệt hại về nhân mạng trong vụ bố ráp, tập kích hôm 09/1, nhà nghiên cứu từ Viện nghiên cứu về chính sách, pháp luật và phát triển nói tiếp:
"Trước hết bình luận về những cái chết, những thiệt hại về nhân mạng của cả hai phía, từ phía của công an, cũng như về phía người dân và đặc biệt cụ Lê Đình Kình, tôi thấy rằng đây là một sự mất mát rất lớn, mất mát rất lớn không chỉ đối với những người thân trong gia đình, mà đây cũng là sự đau xót đối với cá nhân tôi, cũng như là chia sẻ với bạn bè.
"Với cụ Kình thì chúng ta rõ rồi, là một người dân và thậm chí là một người trung kiên với Đảng, 60 năm tuổi đảng, một người đấu tranh một cách ôn hòa vì đất đai mà cụ bị như vậy, rõ ràng là đau xót vô cùng.
"Cái thứ hai, đối với các chiến sỹ công an nhân dân, tôi cũng có một sự cảm động, một sự xót thương cho các chiến sỹ này, những người làm nhiệm vụ, nhưng nhiệm vụ đó lại không đáng làm.
"Cái nhiệm vụ mà đi để mà đàn áp người dân thì lại là nhiệm vụ không đáng làm. Giá như ba chiến sỹ công an này tham gia vào một lực lượng để mà trấn áp một lũ tội phạm buôn bán ma túy hay là mafia mà hy sinh, thì rõ ràng là giá trị vô cùng,
"Thế nhưng mà đây họ lại phải hy sinh một cách, tôi có thể dùng một cái từ là sự hy sinh của họ dường như là không biết nó vì mục đích gì, nó có ý nghĩa hay không? Thì đấy chính là cái mà tôi cảm nhận được sự hy sinh về nhân mạng.

'Khủng hoảng chồng khủng hoảng'

Tiến sỹ, Bác sỹ Trần Tuấn bình luận với Bàn tròn của BBC từ Texas, Hoa Kỳ

Cũng tại Bàn Tròn của BBC, Tiến sỹ Trần Tuấn, chuyên gia tư vấn chính sách và phản biện xã hội thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) nêu quan điểm về cách thức giải quyết vụ Đồng Tâm, sau biến cố diễn ra ngày 09/01:
"Về phương hướng giải quyết là phải trong tâm thế luôn luôn phải nghĩ rằng không để khủng hoảng trùng khủng hoảng và thảm họa chồng thảm họa.
"Bởi vì cách giải quyết hiện nay đang đẩy khủng hoảng tiếp tục sâu sắc hơn nữa và thảm họa nặng nề hơn nữa, trên tất cả mọi mặt.
"Tại sao thế, bởi vì rằng cho đến này về phía chính quyền là nơi đứng ra giải quyết vụ việc này, đặc biệt là truyền thông nhà nước của chúng ta (Việt Nam), chúng tôi thấy rằng đưa đến cho dân vẫn là theo hướng cũ.
"Cho rằng dân Đồng Tâm chống đối chính quyền bằng bạo lực, cho nên là phải có tổ chức vụ 09/1 và trấn áp như tội phạm và đồng thời đưa ra xét xử tội phạm, rồi đưa ra các hình thức nhận tội.
"Tất cả những nhận thức đó và các bài viết cũng như là trên truyền hình chỉ để thuyết phục người dân cả nước rằng là hành động của chính quyền là đúng.
"Tuy nhiên như Phó Giáo sư, Luật sư Hoàng Ngọc Giao đã nêu và bản thân tôi cũng nhận thấy, thì những thông tin trên thực tế, ngay từ các thông tin của Bộ Công An đưa ra đã mâu thuẫn.
"Và chúng ta thẩy rằng nó mang tính là pháp luật đã bị bỏ qua một bên và đây đang có hiện tượng là dùng vũ lực đối với người dân khi có bất đồng chính kiến.
"Tôi cho rằng hướng trong tương lai, trước mắt hiện nay là thứ nhất thay đổi tâm thế, không được dùng vũ lực với dân và phải bằng con đường luật pháp, tòa án, tư pháp.
"Và nhanh chóng ổn định, trả lại sự thật về câu chuyện của Đồng Tâm để người dân có thể nhìn đúng ra là sai ở chỗ nào, kể cả về chính quyền hoặc là từ phía người dân.
"Điểm thứ hai, tôi vẫn nghĩ rằng câu chuyện này chắc chắn là thảm họa xảy ra và dẫn đến câu chuyện Đồng Tâm là trên bình diện cá nhân.
"Sẽ có cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc tổ chức diễn biến hôm 09/01, đưa lực lượng vào khu vực dân cư như vậy.
"Và như thế, tôi mong muốn rằng phải có một giám sát, đánh giá độc lập đối với vụ việc Đồng Tâm và trong trường hợp này, tôi nghĩ rằng các tầng lớp trí thức ở trong nước hãy cố gắng tham gia một cách cao nhất có thể ở các vị trí của mình.
"Để mà đưa ra sự thật về câu chuyện của Đồng Tâm làm bài học rút kinh nghiệm cho tất cả các bên nếu không thực hiện việc giám sát, đánh giá, điều tra độc lập, thì chúng ta đang tiếp tục đi vào con đường làm trầm trọng thêm khủng hoảng sâu sắc trong xã hội về những mất mát, tổn thất đau lòng suốt thời gian vừa qua."

'Nguy cơ là rất cao'

Nhà quan sát xã hội dân sự Tường An tham gia hội luận của BBC từ Paris, Pháp

Theo nhà nghiên cứu phản biện, chính sách, toàn bộ hệ thống vận hành quản trị của nhà nước cần phải được xem xét lại, kể cả cách thức sử dụng bạo lực trước dân, nếu không sẽ có những nguy cơ hết sức nguy hiêm, Tiến sỹ Trần Tuấn nói tiếp:
"Và điểm cuối cùng tôi nghĩ rằng sau khi đưa sự thật về Đồng Tâm ra, thì tiếp theo sẽ phải là một sự thực sự tổ chức lại toàn bộ hệ thống vận hành của nhà nước và việc hệ thống vận hành của nhà nước ra sao, thì chúng ta biết rồi, tất cả các nước trên thế giới đã có kinh nghiệm...
"Nhưng không tổ chức lại, không có một cách thay đổi một cách triệt để thì tôi cho rằng đất nước sẽ đi vào nguy cơ của nội chiến.
"Đấy là một điều mà tôi không hề mong muốn một chút nào và mong rằng mỗi người dân Việt Nam hãy tin tưởng rằng chỉ bằng pháp luật giữa chính quyền với dân, giũa dân với dân và giữa Việt Nam và quốc tế, thì chúng ta lúc đó mới có thể có được giải quyết các mâu thuẫn nếu có trong cuộc sống mà thôi.
"Tôi rất đau lòng về câu chuyện Đồng Tâm và nói rằng là một khủng hoảng không chỉ ở ngoài xã hội mà trong lòng bản thân tôi cũng đang diễn ra đến mức là tôi có thể nói rằng không còn tin tưởng một chút nào nữa, không còn hy vọng một chút nào nữa về vấn đề gọi là tư vấn, phản biện chính sách cho chính quyền hiện tại...
"Nếu không có sự thay đổi thực sự xảy ra vì dân, do dân và bởi dân như mong muốn về một chính quyền mà cả thế giới đang cố gắng xây dựng," Tiến sỹ Trần Tuấn nói với BBC từ nơi ông đang thăm viếng là Austin, Texax, Hoa Kỳ.
Từ Paris, nhà báo tự do, nhà quan sát xã hội dân sự Tường An đưa ra bình luận của mình:
"Tôi chỉ muốn nói rằng để tìm một giải pháp, để lấy lại niềm tin của người dân hay là của người dân Đồng Tâm đối với nhà nước, thì nhà nước cần phải công khai minh bạch tất cả những thông tin liên quan Đồng Tâm:
"Và những nạn nhân đã lên truyền hình cho chúng ta thấy, vừa qua họ có bị ép cung hay không?
"Tất cả những điều đó phải công khai, minh bạch và sau đó, khi đã công khai, minh bạch rồi thì cần phải có một sự đối thoại giữa nhà nước và dân Đồng Tâm với sự chứng kiến của các luật sư.
"Và những thất thoát của dân Đồng Tâm cần phải được bồi thường thỏa đáng, thì đó là vấn đề Đồng Tâm gần. Nhưng nếu chúng ta (Việt Nam) không giải quyết tận gốc rễ, thì sẽ có một Đồng Tâm khác và sẽ còn một Tiên Lãng khác vân vân," nhà báo Tường An nói với Bàn Tròn Thứ Năm của BBC News Tiếng Việt.

Elon Musk nói sẽ đưa 1 triệu người lên sao Hỏa vào năm 2050, sẵn sàng cho vay nếu bạn chưa đủ tiền

Cụ Kình và những mạng người đánh đổi đất Đồng Tâm, ai thắng, ai thua?

Cụ Kình và những mạng người đánh đổi đất Đồng Tâm, ai thắng, ai thua?

Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, là cựu lãnh đạo đảng và chính quyền xã, đã thiệt mạng trong cuộc 'tập kích, bố ráp' hôm 09/01/2020 của chính quyền và cảnh sát vào thôn Hoành và xã Đồng Tâm
Tôi quyết định dành thời gian tìm xem các clip trong vụ Đồng Tâm, vì cũng như hầu hết người đọc muốn truy tìm sự thật, tôi không đặt toàn bộ niềm tin vào lời nói và căn cứ của một bên vì nó khó khách quan.

Tranh chấp đất Đồng Tâm: Bốn người thiệt mạng

Tôi tìm các clip phát trên YouTube do chính nhóm Đồng Thuận tự quay và đăng lên. Người đăng chủ yếu là ông Lê Đình Công, con trai ông Lê Đình Kình.

Khoe vũ khí, tàng trữ thuốc nổ, dọa giết người

Trong một clip ông Lê Đình Kình được trông thấy ngồi cạnh một người đàn ông lớn tuổi trong khung cảnh ở trong nhà. Đối chiếu với các clip khác, được biết ông này tên là Bùi Viết Hiểu.
Ông Hiểu nói: "Chúng tôi đã ngăn đường, chuẩn bị 200 lít xăng, 20 bình ga mới toanh và nhiều thuốc nổ - vì chúng tôi ở gần xưởng sản xuất thuốc nổ." Ông Kình ngồi cạnh lắng nghe và điểm vào những nụ cười rất rạng rỡ.
Trong một clip khác khác, được cho là cuộc họp thường kỳ của nhân dân xã Đồng Tâm ngày 22/12/2019, trên bàn chủ tọa là ông Lê Đình Công, ông Bùi Viết Hiểu và ông Lê Đình Kình.
Đoạn 6 phút 14 giây, ông Lê Đình Công nói: "Nếu chúng cố tình vào xây trên 59 ha này thì bà con chúng ta quyết chiến, nhá, không bắt một thằng nào hết, nhá, bà con nhất trí không? (tiếng vỗ tay và hoan hô). Không bắt một thằng nào hết, nhá, tôi xin thề với bà con cả nước (có tiếng phụ nữ: "chôn sống luôn"), nếu chúng động đến 59 ha của nhân dân Đồng Tâm chúng tôi, chúng đưa càng nhiều quân về nhân dân Đồng Tâm càng thích. Chúng tôi hứa không diệt từ 300 đến 500 thằng chúng tôi sẽ không nhìn thấy đồng bào cả nước nữa (tiếng vỗ tay, hoan hô, tiếng phụ nữ kêu lên "Xin thề"). Lần này chúng quyết giết tôi thì chúng cũng phải nổ tan xác. Đấy là một cái quyết tâm của người Đồng Tâm chúng tôi."
Ngồi gần đó, ông Kình thường xuyên mỉm cười.
Sau đó, ông Kình cầm micro nói: "Nếu kẻ nào cướp đất Đồng Sênh thì nhân dân chúng ta phải quyết chiến đấu dù đầu rơi máu chảy vẫn sẵn sàng. Đất Đồng Sênh theo văn bản số 0 ngày 4/6/2016 trị giá tương đương 1 tỷ đôla, tương đương 23 nghìn tỷ lúc bây giờ, cộng với 60 triệu đôla để xây dựng thành phố thông minh và giúp đỡ hộ nghèo."

Đất Đồng Sênh giá 39 triệu đồng/m2?

Tôi đặc biệt quan tâm đến thông tin về giá trị của đất Đồng Sênh theo lời ông Kình. Nhưng tôi không thể tìm được văn bản này.
Đất nông nghiệp ngày càng được chuyển mục đích sử dụng cho xây dựng nhà máy và nhà ở

Theo lời ông Kình, nó mang số 0. Điều này trái với tất cả quy định về văn bản hành chính hay pháp luật luôn luôn phải đánh số bắt đầu từ 01.
Kết luận: Không thể có văn bản số 0 vì nó vô lý.
Không thể tìm ra văn bản thì tôi tìm tiếp giá trị đất.
Theo ông Kình, đất Đồng Sênh vào năm 2016 trị giá 1 tỷ USD. Diện tích tranh chấp này là 59 ha, căn cứ vào nhiều phát ngôn của chính ông Kình và ông Công. Theo tỷ giá USD/VND của ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện tại, 01 USD tương đương hơn 23.000 VND, tôi tính gọn 23.000 VND. Tính ra giá trị mỗi m2 đất Đồng Sênh là 38,9 triệu đồng.
Tôi tìm giá đất hiện tại ở xã Đồng Tâm và tìm được các thông tin sau:
- Một thông báo bán đất ở xóm 13, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức năm 2017, có 360 m2 trong đó 300 m2 đất ở (giá luôn luôn cao hơn đất vườn hoặc đất ruộng), đã có sổ đỏ, bán 2 triệu đồng/m2.
- Các tin rao khác bán đất mặt đường ở huyện Mỹ Đức, giá cao nhất 21 triệu đồng/m2.



Đối chiếu các thông tin trên, tôi vô cùng hoài nghi mức giá đất Đồng Sênh mà ông Lê Đình Kình đưa ra. Mảnh đất theo ông Kình là đất nông nghiệp, lại đang tranh chấp với Nhà nước (nên không ai dám mua) không thể có giá cao gấp mấy chục lần giá đất ở trong khu dân cư được.
Tôi không rõ tại sao chính người dân trong clip và những người xem khác lại không lưu ý và nghi ngờ chi tiết này.
Ở đoạn cuối clip, một người đàn ông đứng lên tuyên bố: "Nếu ai mặc áo bộ đội vào xây (tường rào sân bay Miếu Môn) sẽ cho bỏ mạng tại chỗ, cho chết hết... xin tuyên truyền rộng rãi thông tin này kẻo đến lúc đó vào chúng tôi đập ngay lại bảo chúng tôi không thông báo."
Đối chiếu trong các clip nói trên, tóm tắt nội dung tôi tự rút ra như sau:
- Giá đất Đồng Sênh theo ông Kình tuyên bố công khai vô cùng chênh lệch so với thực tế. Con số này vô lý, còn nói nhẹ thì không có cơ sở.
- Không thể có văn bản hành chính mang số 0 cả. Không hiểu tại sao hai chi tiết này không được các nhóm ủng hộ Đồng Tâm kiểm chứng và tư vấn trở lại.
- Nhóm Đồng Thuận đã công khai chuẩn bị các vũ khí như chất nổ, bom xăng, bình ga trong khu dân cư và đe dọa làm nổ tám trạm biến thế trong toàn xã. Họ cũng đe dọa giết người công khai. Nếu nó xảy ra, nhiều gia đình khác sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng. Điều này, trong pháp luật của bất cứ nước nào cũng chính là hành vi khủng bố. Xử lý một nhóm khủng bố thì nước nào cũng luôn luôn trấn áp dứt khoát, nếu không sẽ gây hại cho nhiều người vô tội.
Tôi cũng xem lại tất cả các clip của phía Nhà nước Việt Nam phát trên Đài truyền hình quốc gia hay các trang mạng Tin đối chứng…, nhưng không dẫn lại bất cứ nội dung nào vì lý do không muốn dựa trên các thông tin do phía Nhà nước Việt Nam đưa ra.
Clip mang tên Đồng Tâm media, phát trên facebook ông Lê Đình Công thì ghi lại cảnh ông Công cùng vài phụ nữ khác vừa live stream đi lại tự do trong cuộc họp xã Đồng Tâm, liên tục chửi bới, chửi thề và đòi những người trong chính quyền xã "nghỉ hết đi để dân bầu người khác", vì đấy là quyền dân chủ của dân.
Đỉnh điểm khi bị những công an mời đi xuống và ổn định trật tự, ông Công luôn miệng chửi họ là "con chó", "đồ chó" và thách thức "Tao không đi xuống đấy!". Đây là hành vi gây rối trật tự công cộng và chống đối người thi hành công vụ.
Rất ngạc nhiên là những cán bộ xã không ai dám tỏ ra động thái mạnh mẽ nào với nhóm ông Công mà vẫn im lặng để họ chửi bới và đi lại náo loạn trong cuộc họp, ngay cả khi bị dí sát camera vào mặt.
Ở một không gian khác, tôi chắc chắn ngay lập tức ông Công và nhóm người này đã bị khống chế.

Đừng bao giờ kích động bạo lực

Tôi không bao giờ đồng tình với bạo lực. Trong trường hợp này, càng xem những lời lẽ hung tợn của ông Công, ông Hiểu và ông Kình cùng vài thành viên khác của nhóm Đồng thuận, tôi rùng mình vì sự hung hăng của họ.
Ông Lê Đình Kình trong lần gặp gỡ đại diện Viettel hồi đầu năm 2017 - hình lấy từ video clip

Thế nhưng, hỡi ơi, ngay cạnh đó là một nỗi thương xót sâu xa.
Những người nông dân này mới ngây thơ và đáng thương làm sao. Quá ngây thơ, hiểu biết về pháp luật quá nông cạn, tầm nhìn quá hẹp nên mới có thể lên mạng xã hội khoe việc tàng trữ vũ khí và đe dọa giết người công khai. Mà vẫn tin chắc phía chính quyền nước sẽ sợ mình, chân lý thuộc về mình.
Họ cũng vô cùng ảo tưởng khi tin rằng một nhóm vài chục nông dân, trang bị tận những "20 cái bình ga mới toanh" lại có thể đối đầu với lực lượng vũ trang của cả một quốc gia.
Cuối cùng, hậu quả đau thương đã xảy ra.
Sau sự việc, nhà nghiên cứu ngôn ngữ Hoàng Tuấn Công viết trên trang mạng xã hội của mình một câu tục ngữ Việt Nam thâm thúy: "Không giận người đốt nhà, chỉ hận kẻ huýt gió". Nghe mà xót xa, thấm thía tận tim gan.
Thời này không thể dùng bạo lực. Người dân lại càng không thể thách thức dùng bạo lực với chính quyền.
Dân Việt Nam, mới được yên tiếng súng và máu đổ vài mươi năm, đến tận giờ vẫn ngày ngày rao tin đi tìm xương cốt của người thân chết trong cuộc chiến, càng không ưa gì bạo lực.
Những nông dân nhóm Đồng Thuận đã phải trả giá đắt cho sự kém hiểu biết nói chung của mình.
Nhưng dùng bạo lực để đối chọi bạo lực, phía Nhà nước Việt Nam mất mát còn hơn thế, đồng thời hứng một làn sóng phản đối dữ dội trong cả trong nước lẫn ngoài nước.
Tóm lại, trong cuộc đối đầu bất thần này, tất cả đều thua.
Không thể dùng bạo lực. Các tranh chấp phải được giải quyết bằng thể chế dân sự, không thể có cách nào khác. Xung đột phải được giải quyết thông qua tòa án và các hình thức thương lượng ngoài tòa án với chứng kiến của bên thứ ba.
Không thể lý lẽ tòa án cũng là một bộ phận của Nhà nước Việt Nam nên "chẳng tin được thằng nào con nào" vì như thế thì vị trí của bạn không thể là ở trên đất nước này nữa.
Hôm nay đã là 25 Tết. Cuối cùng, vụ Đồng Tâm đã kết thúc nhanh gọn một cách hết sức bất ngờ. Thực chất, tất cả đều đã thua theo cái cách thê thảm nhất, thất bại nhất nhưng chắc chắn từ nay về sau sẽ chẳng còn ai tranh chấp đất Đồng Sênh nữa.
Rồi sau Tết, một phiên tòa với các tội danh dự kiến là chống người thi hành công vụ, tàng trữ trái phép vũ khí và chất nổ, đe dọa giết người… sẽ diễn ra. Song chẳng thể nói gì vì những bằng chứng chủ chốt nhất cho đến giờ này vẫn chưa thể xác định.
Nhưng trời ơi, tôi ước gì nhóm Đồng Thuận đã có những cố vấn am hiểu thực tế và khôn khéo hơn để đồng hành với họ trong cuộc tranh chấp này.
Tôi ước gì phía chính quyền Việt Nam đã thật sự đặt mình vào vị trí của những người nông dân để hiểu thấu tâm lý của họ, để kiên trì đối thoại bên cạnh việc cương quyết khước từ hoặc xóa bỏ những ý đồ bạo lực từ trong trứng nước.
Ước gì có những nhà ngoại giao thật sự không bị chi phối bởi các định kiến cực đoan của bất cứ bên nào, để mở ra một biện pháp hòa hoãn nhất cho các bên.
Hãy lôi kéo các thiết chế có sẵn trong nước như Quốc Hội, tổ chức xã hội dân sự, báo chí, các cơ quan ngoại giao nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ bảo vệ con người và luật pháp vào cuộc để gây áp lực và giám sát… nhưng hãy chắc chắn không có bom xăng, bình ga và đe dọa giết người. Vì cuối cùng, đau đớn, thua thiệt nhất, mất mát nhất cũng chỉ là người dân mà thôi.
Bài thể hiện quan điểm cá nhân và cách hành văn của tác giả.

Căng thẳng Iran - Mỹ có vượt quá kiểm soát?

Tin Nhà Đất

https://underworld24h.blogspot.com/search/label/Dat?max-results=5