Tuesday, December 24, 2019

Giấu hẳn giọng hát Phan Mạnh Quỳnh, Victor Vũ thật sự đưa "Mắt Biếc" lên tầm cao mới

Phan Mạnh Quỳnh không hát nhạc phim tưởng đâu hóa ra lại là một sự lựa chọn hoàn hảo của ekip Mắt Biếc.

Đi dự đám cưới người yêu cũ, cô gái make up đẹp hơn cô dâu khiến khách nhét nhầm phong bì


Sau khi Mắt Biếc được công chiếu, đã có nhiều cảm xúc lẫn tranh luận xoay quanh âm nhạc của phim. Rất nhiều trong số đó bày tỏ sự thất vọng về việc ca nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh, người đã sáng tác và thể hiện rất thành công bài hát chủ đề Có Chàng Trai Viết Lên Cây, không hề cất giọng trong bất kì cảnh phim nào. Tuy nhiên, xét trên phương diện điện ảnh, đây là lựa chọn hoàn toàn sáng suốt của đạo diễn Victor Vũ và đã nâng tầm phim lên một mức khác, thoát khỏi những lối mòn trước đó của điện ảnh Việt.
 người lồng tiếng cho Ngạn - Người góp giọng là Phạm Đình Thái Ngân
Trong suốt chiến dịch quảng bá phim, nhà phát hành luôn đính kèm 3 cái tên đi cùng nhau: đạo diễn Victor Vũ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh và ca nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh. Từ teaser trailer đầu tiên, khi giọng hát Phan Mạnh Quỳnh vang lên, ca khúc Có Chàng Trai Viết Lên Cây vốn đã ra mắt cách đây 2 năm, trở thành một hiện tượng. Giai điệu da diết ám ảnh đó càng ngày càng kích thích khán giả với phiên bản giao hưởng ở trailer chính thức. Cùng lời hứa Phan Mạnh Quỳnh sẽ có tổng cộng 3 sáng tác mới cho bộ phim này, những khán giả của Mắt Biếc và fan của Phan Mạnh Quỳnh như chắc mẩm rằng mình sẽ được nghe giọng hát "độc lạ" của anh trong phim ở những phân đoạn đáng nhớ nhất.

Tuy nhiên, trong suốt 2 tiếng phim, giọng hát Phan Mạnh Quỳnh chỉ được vang lên ở phía sau phần chạy chữ (credit roll) với ca khúc Tôi Chỉ Muốn Nói. 4 bài hát được sáng tác vẫn vang lên trong phim nhưng dưới giọng hát của nhân vật Ngạn. Tất cả các bài chỉ được hát một đoạn ngắn, thường là lời 1 hoặc điệp khúc chứ không full bài. Rất nhiều khán giả đã bày tỏ sự thất vọng, "trong tim hụt hẫng như mất một thứ gì". Nhưng ít ai hiểu rằng, chính nhờ việc này, Mắt Biếc đã gieo nhiều cảm xúc một cách hiệu quả hơn vào lòng khán giả, đồng thời phủ một lớp ngôn ngữ điện ảnh cho phim, truyền tải bằng âm nhạc, giúp nhân vật có thêm chiều sâu và không bị sáo rỗng theo công thức "MV ca nhạc".
Bài viết này sẽ tìm hiểu hình thức âm nhạc mà phim sử dụng, cùng cách phim lặp lại giai điệu đầy ám ảnh của ca khúc chủ đề Có Chàng Trai Viết Lên Cây.
1. Khái niệm Diegetic và non-diegetic music: Âm nhạc trong và ngoài thế giới của phim
Trong nhạc phim, có hai hình thức chính, với các thuật ngữ lần lượt là diegetic music – âm nhạc trong thế giới phim và non-diegetic music – âm nhạc ngoài thế giới của phim.

Hiểu đơn giản nhất, diegetic music là loại âm nhạc mà nhân vật có thể nghe được. Chẳng hạn như đó là một bài hát được phát trong quán café, một chiếc CD phát bằng đầu đĩa trong một phòng khách hay một câu hát vu vơ phát ra từ miệng nhân vật. Với hình thức nhạc phim này, những bản nhạc hay bài hát được sử dụng đôi khi đóng vai trò then chốt trong tác phẩm, và nếu mất đi thì sẽ ảnh hưởng đến mạch phim, cốt truyện hay thậm chí là biến đổi tâm lý nhân vật. Hãy thử hình dung La La Land của Damien Chazelle mà mất đi bản nhạc Mia & Sebastian’s Theme, bộ phim có lẽ sẽ kết thúc sớm vì cả hai nhân vật không thể gặp nhau. Hay nếu Frozen 2 mất đi giọng hát bí ẩn từ phương Bắc, Elsa sẽ không bao giờ rời khỏi Arendelle và bộ phim không hề tồn tại. Tương tự, ở phim điện ảnh Mắt Biếc, nếu mất đi ca khúc Từ Đó do chính Ngạn thể hiện, chúng ta sẽ mất cả một đoạn then chốt tình cảm của cặp đôi trước khi Hà Lan lên thành phố, và sau này cũng sẽ mất đi khoảnh khắc lãng mạn với Trà Long, người đã làm sống dậy những ký ức tuổi xuân của Ngạn.
Ngược lại với khái niệm trên, non-diegetic là âm nhạc không nằm trong thế giới của phim. Đó chính là những bản score, những giai điệu nền vang lên mà chỉ có khán giả hay người xem phim nghe thấy. Trong các cảnh rượt đuổi cao trào, chắc chắn điệp viên 007 James Bond không thể nào nghe được tiếng dàn nhạc giao hưởng giựt liên hồi theo chừng tiếng thở và bước chân của anh. Trong Chị Chị Em Em, chắc chắn cũng không có dàn nhạc giao hưởng nào trên phim chơi cả bản concerto để Huy ngồi giải thích cho khán giả nghe tận tường kế hoạch của mình nhằm hãm hại vợ. Tương tự với Mắt Biếc, tất cả những khoảnh khắc lãng mạn, những khoảnh khắc tình cảm của Ngạn và Hà Lan ở Đo Đo, không có dàn nhạc nào ở gần đó để chơi cho họ nghe cả.

Trải nghiệm âm nhạc mà non-diegetic music mang lại, là trải nghiệm chỉ của riêng người xem. Với hình thức này, âm nhạc trong phim được dùng để định hướng cảm xúc người xem: vui, buồn, xúc động,... hay để tả những cảm xúc bên trong của nhân vật, những điều không thể nói ra bằng lời. Nếu so sánh với diegetic, âm nhạc non-diegetic có thể bị cắt khỏi phim mà không ảnh hưởng đến tình huống hay cốt truyện, chỉ có cảm xúc. Hình thức này được dùng nhiều và có phần lạm dụng với các phim hướng về đại chúng, như một cách để che lấp các khuyết điểm về diễn xuất để thao túng cảm xúc của người xem. Đây gọi là thể loại melodrama (kịch mê-lô), thường hay thấy ở các phim châu Á, đặc biệt là phim Hàn, khi nước mắt chảy xuống nhạc buồn sẽ vang lên

Trong Mắt Biếc, hai hình thức này đều được áp dụng. Tất cả những bản score, nhạc giao hưởng hay các bài hát xưa đều không thuộc về thế giới phim, còn tất cả những bài hát Ngạn sáng tác, đàn hát hay những ca khúc xập xình trong discotheque đều thuộc thế giới của phim.
2. Ngôn ngữ âm nhạc là ngôn ngữ của nhân vật và bối cảnh
Điểm tinh tế trong cách sử dụng nhạc ở chỗ, tất cả những cảnh ở Đo Đo đều là nhạc giao hưởng, không lời, với các nhạc cụ mộc mạc làm chủ đạo: piano, guitar, sáo, dàn dây. Trong ngôn ngữ âm nhạc, những sự lựa chọn này gợi ra một miền ký ức tuổi thơ, một sự mộc mạc giản dị. Hòa âm trưởng (major harmony) gợi cảm giác trong sáng, trong khi các âm bổng của dàn dây và tiếng sáo thường gặp trong các phim thiếu nhi, fantasy lại gợi cảm giác bay bổng, hơi kỳ ảo như một vùng đất của mộng tưởng mơ hồ.

Âm nhạc không lời của Christopher Wong cùng lối kể chuyện bằng hình ảnh khá duy mỹ của Victor Vũ định hình Mắt Biếc như một phim giao thoa thực ảo. Mặt khác, phim được kể qua góc nhìn của Ngạn, nên vẫn có những câu hỏi đặt ra, rằng có thật sự mọi thứ trong phim đẹp đến mức hoàn hảo hay tất cả chỉ đang được nhìn qua lăng kính của nhân vật chính? Trong phim có một cảnh, khi Ngạn mơ tưởng đến Hà Lan lúc nhỏ, nhạc giao hưởng đang dâng cao thì ngay lập tức tắt đi lúc bố Ngạn kêu "ngủ đi, cười cười cái gì". Điều này chứng tỏ, các bản score của phim là cách để khắc họa trạng thái mộng tưởng, thực ảo giao thoa qua góc nhìn của chàng trai si tình.

Trái với những bản score không lời, khi giới thiệu bối cảnh phố thị, "nơi phồn hoa" mà Hà Lan chạy theo, âm nhạc chuyển từ những nhạc cụ mộc mạc sang những nhạc cụ hiện đại hơn. Khán giả bắt đầu được nghe nhịp trống xập xình, nghe tiếng guitar điện năng động, đầy tiết tấu và những tiếng hát bộc trực, vút cao, gợi ra một không gian khác hoàn toàn với Đo Đo. Ngạn và Dũng là hai đại diện tiêu biểu cho hai bối cảnh. Ngạn với cây guitar thùng là quá khứ, là hoài niệm. Mọi thứ về Ngạn đều mộc mạc, nhẹ nhàng, len lỏi và ngọt ngào. Hơn hết, như Ngạn tự nhận trong phim, Ngạn là không dám nói thẳng, giấu mọi tâm tư trong lòng, nên âm nhạc của Ngạn và của Đo Đo là những bản nhạc có giai điệu đẹp nhưng không thể cất thành lời. Còn Dũng với cây guitar điện là người phố thị, sành điệu, bộc trực, táo bạo và có chút gì đó ngẫu hứng, phức tạp như cái cách Dũng "phiêu" theo tiếng đàn để lấy lòng Hà Lan. Âm nhạc của Dũng, của phố thị không lặng im, mà khẳng khái bộc trực, "có sao nói vậy", nếu yêu sẽ nói, nếu buồn sẽ kể.

Xuyên suốt cả phim Mắt Biếc, Ngạn sáng tác chỉ để hát cho Hà Lan hoặc cho bản thân nghe. Bằng hình thức diegetic, âm nhạc như một cách để Ngạn kể chuyện, bộc bạch những tâm tư giấu kín trong lòng. Mộng tưởng của Ngạn thì đẹp và trào dâng như những bản giao hưởng, nhưng tâm tư của nhân vật thì mộc mạc, âm thầm và luôn khao khát được cất lên thành lời hát. Tất cả những ca khúc đó, dù cơ bản là do Phan Mạnh Quỳnh sáng tác, nhưng nếu để Phan Mạnh Quỳnh hát, đó sẽ chỉ là âm nhạc non-diegetic, nằm ngoài thế giới của phim. Câu chuyện Ngạn kể cho chúng ta nghe sẽ bị đứt đoạn. Góc nhìn từ ngôi thứ 1 sẽ nhường chỗ cho một giọng hát mang tính "bình luận" và "cảm thán" từ bên ngoài. Những nỗi lòng, nỗi buồn và nỗi đau của Ngạn sẽ không bao giờ được cất lên bởi vì đã có Phan Mạnh Quỳnh hát hộ. Nhân vật của chúng ta sẽ mãi mãi mang theo nhiều chất chứa.

Có Chàng Trai Viết Lên Cây, giai điệu ám ảnh gắn liền với rất nhiều phân đoạn trong phim với nhiều bản phối khác nhau cũng có chức năng của nó. Trong nhạc phim, đây gọi là một leitmotif: giai điệu lặp lại đa dạng về hình thức có tính biểu tượng. Ở cảnh hồi tưởng đầu phim, giai điệu được gieo nhẹ nhàng, mỏng và thanh thoát, không trọn vẹn. Ở cuối phim, giai điệu được gặt một cách vỡ òa, với tất cả nhạc cụ trong dàn giao hưởng cùng vang lên khi Hà Lan chạy theo đoàn tàu để giữ Ngạn lại. Nếu tinh ý, khán giả sẽ nhận ra ở khoảnh khắc đó, chính Hà Lan đã được Victor Vũ đặt vào trong vị trí của "chàng trơ bơ vơ từ xa trong tim hụt hẫng như mất một thứ gì". Khi chuyến tàu đã xa dần, lần đầu tiên trong cả bộ phim, lời bài hát được vang lên bằng chính giọng hát của Ngạn. Bộ phim có thể đầy các khoảnh khắc âm nhạc, được hỗ trợ bởi một dàn giao hưởng chơi live hoành tráng, nhưng Victor Vũ chọn cách kết phim chỉ với một giọng hát không có nhạc cụ đi kèm, một khoảng lặng đau lòng như tiếng nấc nghẹn khi mọi mộng tưởng đã kết thúc, quá khứ để lại phía sau còn nước mắt thì lăn dài trên đôi gò má của cả hai.
Phan Mạnh Quỳnh đã không cất tiếng hát, và điều đó đã nâng tầm bộ phim. Nhờ vậy, chúng ta đã có một phim điện ảnh Mắt Biếc, không phải một MV dài Mắt Biếc.

SHARE THIS

Author:

Etiam at libero iaculis, mollis justo non, blandit augue. Vestibulum sit amet sodales est, a lacinia ex. Suspendisse vel enim sagittis, volutpat sem eget, condimentum sem.

0 nhận xét:

Tin Nhà Đất

https://underworld24h.blogspot.com/search/label/Dat?max-results=5